Vì một xã hội tử tế

Trong đời sống xã hội không bao giờ tránh được những bất đồng giữa con người với nhau về ý kiến hay lợi ích, có vô số những xung đột thật đa dạng cần phải được điều chỉnh bằng cách này hay cách khác. Giải quyết vấn đề bằng cách nào đây? Đại để chỉ có hai phương cách khả dĩ: hoặc là dựa trên luận chứng và lý lẽ (bao gồm cả kiện tụng pháp lý) hoặc là dùng bạo lực.

Người tử tế là người cố tránh dùng bạo lực, ráng giải quyết vấn đề bằng lý lẽ hay thỏa hiệp. Anh ta cố thuyết phục người khác bằng luận chứng chứ không dùng sức mạnh để trấn áp hay đe dọa. Việc tranh cãi bằng lời lẽ chưa đủ là bằng chứng cho thái độ ôn hòa và tử tế. Người ta có thể tranh cãi với thái độ tin chắc mình là đúng còn kẻ cãi lại là sai lầm hay tệ hơn nữa là kẻ đồi bại. Khi đó tranh cãi sẽ chỉ là một hình thức khác của bạo lực.

Tranh cãi ôn hòa và tử tế là khi người tham gia tranh cãi giữ một thái độ hoài nghi nhất định với lập trường của chính mình và hy vọng qua tranh cãi vấn đề sẽ được sáng tỏ hơn, chứ không phải là nhằm mục đích tuyên cáo lẽ phải của mình. Tranh cãi ôn hòa và tử tế đòi hỏi phẩm tính khiêm nhường về trí tuệ, khi con người ý thức được mình không phải là Thượng đế toàn thức và phần lớn tri thức mình có được là nhận được từ những người khác. Người tử tế thường là người ý thức được mình đã từng sai lầm và không quên đi những sai lầm ấy. Người tử tế biết lắng nghe và xét đoán vô tư. Chỉ có thể giảm thiểu bạo lực và xây dựng xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều người tử tế.

Điều khó khăn là thái độ ôn hòa và tử tế chỉ có thể được thiết lập trên sự đồng thuận của cả hai phía tranh cãi. Không thể có tranh cãi ôn hòa và tử tế khi một bên tranh cãi luôn sẵn sàng sử dụng sức mạnh bạo lực thay cho luận chứng. Vì vậy, không thể tôn sùng lập trường ôn hòa như một nguyên tắc tuyệt đối: lập trường ôn hòa luôn có giới hạn. Hơn thế nữa, lập trường bạo lực có sức hấp dẫn và lôi cuốn đối với những người trẻ tuổi lãng mạn mong muốn được hiến dâng thân mình cho lý tưởng cao đẹp (thường gắn với một không tưởng về tương lai tươi sáng cho loài người). Đối với họ cuộc sống không có bạo lực có vẻ như trống rỗng và tầm thường.
Người tử tế thường là người ý thức được mình đã từng sai lầm và không quên đi những sai lầm ấy. Người tử tế biết lắng nghe và xét đoán vô tư. Chỉ có thể giảm thiểu bạo lực và xây dựng xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều người tử tế.


Hình ảnh chiến sĩ vung gươm trên yên ngựa của quân đoàn kỵ binh Hồng quân do tướng Budyonny chỉ huy trong nội chiến Cách mạng Nga đầu thế kỷ 20 đã từng là lý tưởng trong thế kỷ ấy của biết bao thanh niên Nga (và không chỉ thanh niên Nga!). Những tác phẩm văn học nổi tiếng vạch trần thực trạng kinh tởm của chiến tranh như Phía Tây không có gì lạ của E.M. Remarque hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã khiến cho nhiều kẻ sùng bái bạo lực phải tức tối khó chịu. Khi số đông các thành viên xã hội ưu tiên sử dụng phương pháp bạo lực trong xử lý các mâu thuẫn và xung đột thì xã hội không thể là xã hội tử tế được.

Chúng ta đang phải đối diện với một thế giới không quen thuộc đang ở trong thời kỳ toàn cầu hóa quá nhanh chóng với những biến đổi gây choáng váng. Có hai kiểu cách phản ứng lại với cơn choáng váng. Một số người thấy cần thiết phải suy tưởng tra vấn lại những định kiến của mình; một số khác xem những tư tưởng khác lạ với mình là thù địch và bảo vệ các định kiến cũ như bảo vệ tài sản quý báu mà họ sở hữu. Những người thuộc loại thứ hai là những người chủ động khép kín bản thân, khước từ đối thoại. Ta không thể bàn luận gì ở đây về lập trường của những người như thế, dù họ bảo vệ những định kiến gì đi nữa. Những người muốn tra vấn thì phải đi tìm cội nguồn của những định kiến cũ cũng như cội nguồn của những định kiến đối lập lại để suy tư.

Việc làm cần thiết này có đem lại kết quả hay không phụ thuộc vào tư chất cá nhân và nỗ lực của từng người. Bằng không, ít nhất cũng có thể cùng nhau suy tưởng về những nguyên nhân thất bại.

Phương cách “đổ lỗi cho kẻ thù” và “công phẫn đạo đức” không giúp người ta thấu hiểu chân lý, nhưng thỏa mãn được lòng tự ái, vì tựa hồ như khẳng định rằng: “Không phải do ta quá kém cỏi”. Trong một số trường hợp “công phẫn đạo đức” có thể là chính đáng, song trong nhiều trường hợp lại có tính phá hủy: “Người công phẫn” vừa thỏa mãn với việc chà đạp và đối xử với người khác như kẻ xấu xa, lại vừa thỏa mãn với cảm xúc tự xem mình cao cả và đúng đắn.

Triết gia Anh I. Berlin nhìn thấy nguy cơ lớn nhất gây đau khổ cho người ta đến từ phía những cá nhân hay nhóm người tự cho mình là duy nhất nắm được chân lý. Ông viết: “Ít có sự việc nào gây tổn hại nhiều hơn là niềm tin từ phía những cá nhân hay nhóm người (hay bộ tộc hay các nhà nước hay các dân tộc hay các giáo hội) cho rằng ông ta hay bà ta hay bọn họ là người duy nhất sở hữu chân lý: đặc biệt là về chuyện phải sống như thế nào, nên là gì và làm gì - và rằng những người khác biệt với họ không những là sai trái, mà còn là đồi bại hay điên rồ: và cần phải cải tạo hay trấn áp”. Ông đòi hỏi một thái độ khoan dung nhiều hơn: “Điều mà thời đại đòi hỏi không phải là tin tưởng nhiều hơn, hay lãnh đạo mạnh mẽ hơn, hay tổ chức khoa học hơn (như chúng ta vẫn thường được nghe như vậy). Đúng hơn là điều ngược lại - bớt đi hăng hái như Chúa cứu thế, nhiều thêm hoài nghi minh triết, nhiều thêm khoan dung đối với những phong cách riêng, thường xuyên hơn các biện pháp tùy theo tình hình (ad hoc) để đạt được những mục tiêu trong một tương lai không thể tiên liệu, nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân và các nhóm thiểu số có sở thích và niềm tin ít được số đông hưởng ứng (đúng hay sai không quan trọng), để họ đạt được các mục đích riêng của mình. Điều đòi hỏi là việc áp dụng các nguyên tắc chung phải bớt đi tính máy móc, bớt đi tính cuồng tín, là việc áp dụng những lời giải chung đã được chấp nhận, đã được thử nghiệm một cách khoa học, vào các trường hợp cá nhân chưa được khảo sát, dù có hợp lý và đúng đắn đến đâu, thì cũng phải cẩn trọng hơn và bớt đi tự tin một cách ngạo mạn”.

Học thuyết đạo đức Kitô giáo cũng như chủ nghĩa nhân văn cổ điển cũng rao giảng thái độ khoan dung nhân danh tình yêu con người với kỳ vọng con người lầm lạc rốt cuộc sẽ hối cải và giác ngộ. Thái độ khoan dung mà Berlin thuyết giảng có nội dung khác biệt: nó dựa trên nhận thức về tính không hài hòa của thế giới các giá trị đạo đức và xung đột không tránh khỏi của các giá trị ấy. Ông thường dẫn ra ẩn dụ do I. Kant đưa ra về bản chất con người: “Từ cây gỗ cong queo của loài người, chẳng bao giờ có vật gì thẳng thớm được làm ra cả”.
Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào tình đoàn kết mà anh ta cảm nhận với các đồng loại, với những thế hệ quá khứ và tương lai.


Trong khi Kant dùng ẩn dụ này để nói về mặt tội lỗi nơi con người thì Berlin lại dùng nó để nói về tính cong queo của thế giới đạo đức bao quanh con người dẫn đến những căng thẳng nội tâm đủ loại. Ông viết: “Điều tốt nhất người ta có thể làm được là thử xúc tiến một thứ cân bằng nào đó nhất thiết là không bền vững giữa những khát vọng khác nhau của những nhóm người khác biệt nhau”.

Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào tình đoàn kết mà anh ta cảm nhận với các đồng loại, với những thế hệ quá khứ và tương lai. Con người vừa mang tính cá biệt lại vừa mang tính xã hội với khao khát hợp quần.

Không thể xóa bỏ mâu thuẫn này mà chỉ có thể phản ứng lại theo những cách thức khác nhau. Mỗi người có một lời giải đáp cho riêng mình. Chúng ta chỉ có thể mong muốn một xã hội tử tế, trong đó con người có thể sống với những quan niệm nhân sinh khác nhau, nhưng không vì thế mà phải nghiền nát những mong muốn và nhu cầu cũng thiết yếu ngang bằng của những người khác.

Một xã hội tử tế không đòi hỏi đa số các thành viên của nó nhất thiết phải có học vấn cao. Điều quan trọng nhất để cho con người không nghiền nát hạnh phúc của những người khác trong khi mưu cầu hạnh phúc cho mình, ấy là cảm nhận về tình người, là sự cảm thông với nỗi đau của đồng loại, là mối gắn bó với những người xung quanh. Những giá trị mà con người theo đuổi trong cuộc sống, thường mâu thuẫn với nhau và mỗi cá nhân buộc phải có lựa chọn. Mỗi sự lựa chọn đều dẫn đến việc hy sinh hay làm suy giảm một số giá trị nào đó.
Một xã hội tử tế không đòi hỏi đa số các thành viên của nó nhất thiết phải có học vấn cao. Điều quan trọng nhất để cho con người không nghiền nát hạnh phúc của những người khác trong khi mưu cầu hạnh phúc cho mình, ấy là cảm nhận về tình người, là sự cảm thông với nỗi đau của đồng loại, là mối gắn bó với những người xung quanh.

Ở đây không phải chỉ có mâu thuẫn giữa thiện và ác, mà còn có mâu thuẫn giữa những giá trị tốt đẹp khác nhau. Không bao giờ loại bỏ được hết các xung đột và bi kịch trong cuộc sống. Chỉ có thể hy vọng các xung đột và bi kịch không dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau của các thành viên. Phải có một nền đạo đức xã hội lành mạnh thì mới mong duy trì được một xã hội tử tế. Để đạt được điều này mỗi con người chủ yếu phải trông cậy vào sự giúp đỡ của phần tích cực ở sâu thẳm trong tâm hồn mình, nhiều hơn là những tri thức đến từ bên ngoài. I. Berlin cho rằng “niềm tin vào một công thức đơn nhất có thể được tìm ra về nguyên tắc mà nhờ nó tất cả các mục đích đa dạng của con người có thể được thực hiện một cách hài hòa - niềm tin ấy đã được chứng tỏ là trá ngụy. Nếu các mục đích của con người là nhiều thứ, như tôi tin là thế, và không phải tất cả những mục đích ấy đều tương thích được với nhau, thì khả năng có xung đột - và bi kịch - không bao giờ có thể bị loại trừ khỏi đời sống con người, dù là đời sống cá nhân hay xã hội”.

Nhận thức trên đây không hàm ý rằng người ta không cần tranh cãi bàn luận về những vấn đề nhân sinh liên quan đến hạnh phúc của các thành viên xã hội trong cuộc sống cộng sinh. Nhận thức ấy chỉ hàm ý mong muốn những người tham gia tranh cãi ý thức được rằng không có ai là thánh thần nắm giữ chân lý tuyệt đối. Trong quan niệm của tôi, bàn luận về vấn đề nhân sinh không phải nhằm mục đích thống nhất tư tưởng để thống nhất hành động, mặc dù tôi không phản đối những người có mục đích như thế. Điều quan trọng là làm sáng tỏ những phương diện mâu thuẫn nhau của vấn đề đặng giúp con người ý thức được những hậu quả của mỗi lựa chọn. I. Berlin quan niệm vai trò của triết gia đạo đức học là soi sáng vấn đề để hỗ trợ cho công chúng có những phán đoán của riêng họ, chứ không phải hướng dẫn họ phải sống thế nào. Tôi rất chia sẻ quan niệm này. Tôi cho rằng mơ ước xây dựng một xã hội mà mọi thành viên của nó đều nhịp bước tiến đến cùng những mục tiêu duy lý, là một không tưởng phản nhân văn.

Nguyễn Văn Trọng